Đoàn Khối Dân – Chính – Đảng TP: Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi)

0
256

Chiều ngày 04/5/2019, tại Hội trường Sở Tư pháp Thành phố, Ban Thường vụ Đoàn Khối Dân – Chính – Đảng Thành phố đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), với sự tham gia của gần 100 đại biểu là Thường trực các cơ sở Đoàn, đoàn viên thanh niên tiêu biểu trong Khối.

Luật Thanh niên được Quốc hội khoá XI, thông qua ngày 29/11/2005 tại kỳ họp lần thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006. Qua tổng kết thực tiễn thi hành, có thể khẳng định việc ban hành Luật Thanh niên là rất cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên. Việc ban hành Luật thanh niên đã có nhiều tác động tích cực đối với công tác Đoàn và phong trào thanh niên; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức thanh niên và chức năng quản lý nhà nước về thanh niên.

Tuy nhiên, Sau 14 năm thực hiện, Luật Thanh niên đã bộc lộ những điểm chưa hợp lý, chưa đảm bảo tính đồng bộ, tính hệ thống, tính logic giữa các phần và chế định của luật. Một số quy định của Luật còn hạn chế, vướng mắc, chồng chéo, thiếu thống nhất; trách nhiệm của các chủ thể còn chung chung, không rõ ràng; cơ chế đảm bảo thi hành mờ nhạt, khó khả thi. Nội dung nhiều điều luật còn mang tính định hướng, kêu gọi, khuyến khích, chưa có những quy định rõ ràng, những nguyên tắc xử sự mang tính bắt buộc và được Nhà nước đảm bảo thực hiện. Bên cạnh đó, công tác triển khai thi hành Luật cũng có những hạn chế như: công tác xây dựng, ban hành văn bản dưới Luật để hướng dẫn còn chậm, số lượng văn bản được ban hành quá ít. Do đó các quy định của Luật khó triển khai đỏi hỏi phải sửa đổi nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.


Tại hội nghị, với hơn 40 lượt ý kiến, các đại biểu đã đóng góp ý kiến đối với các vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi). Cụ thể, đa số đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung, thống nhất với các Luật khác như: Luật Trẻ em 2016, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Luật phòng, chống ma túy năm 2013, quy định độ tuổi trẻ em và độ tuổi thanh niên trong các bộ luật không có sự nối tiếp nhau, có khoảng cách. Cấn thống nhất về việc qui định độ tuổi thanh niên, nếu chặn trên là từ đủ 16 thì thống nhất chặn dưới là đến đủ 30 tuổi. Nhiều đại biểu thống nhất bỏ cụm từ “không lạm dụng chất kích thích” vì theo Luật phòng chống ma túy thì chất kích thích là chất gây nghiện nên cấm sử dụng, đề nghị đổi cụm từ “Sức khỏe tình dục thân thiện” thành “sức khỏe tình dục an toàn”; Một số đại biểu đề nghị xem xét có qui định “Thanh niên Việt Nam danh dự”…


Một số đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên nhằm phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của thanh niên đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cần thiết kế điều luật theo hướng quy định những nguyên tắc xử sự mang tính bắt buộc và được Nhà nước đảm bảo thực hiện. Vì trong dự thảo Luật, các quy định về trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội trong việc thực thi quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên là những quy định mang tính nguyên tắc, mới dừng lại ở việc kêu gọi, khuyến khích thực hiện; các hành vi quy định còn trùng lặp với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị sửa đổi, quy định rõ việc giao bộ, ngành nào là cơ quan đầu mối tham mưu, giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thanh niên nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên trên thực tế; khắc phục sự chồng chéo nhiệm vụ giữa cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên và cơ quan tư vấn về công tác thanh niên của Chính phủ.


Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đề nghị một số ý kiển như: bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thanh niên và công tác thanh niên; cơ chế, chế tài bảo đảm thực hiện Luật nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các các ban ngành trong việc thực hiện các quy định trong Luật Thanh niên… Đồng thời, cần nghiên cứu, bổ sung thêm một số quyền của thanh niên như: quyền làm việc, quyền sử dụng mạng xã hội; quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, phát biểu chính kiến, tiếp cận thông tin; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; việc sở hữu trí tuệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ…

Văn Linh

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.