Đưa nước ngọt đến với bà con vùng hạn mặn

0
224
Tại xã Phú Vang, huyện Bình Đại (Bến Tre), Công ty cổ phần Cơ điện lạnh Đại Việt phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khánh thành và bàn giao máy lọc nước ngọt công suất khoảng 15-24m³/ngày/đêm, với tổng kinh phí đầu tư 350 triệu đồng.

Người dân xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre lấy nước ngọt từ bể chứa về sử dụng. Ảnh: BÙI ANH TUẤN

Người dân xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre lấy nước ngọt từ bể chứa về sử dụng. Ảnh: BÙI ANH TUẤN

Sáng 21-3, Đoàn khối Dân – Chính – Đảng TPHCM phối hợp với Đoàn Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, Đoàn khối cơ quan – doanh nghiệp Bến Tre, đã đến thăm hỏi, hỗ trợ nước ngọt cho bà con vùng hạn mặn, tại xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Đoàn khối đã trao tặng 150.000 lít nước ngọt cho bà con tại xã Thạnh Phú Đông. Ngoài ra còn tặng 1.000 khẩu trang vải, 500 chai gel rửa tay khô kháng khuẩn và 1.000 sổ tay cẩm nang tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 cho bà con, với tổng kinh phí hơn 57 triệu đồng.

Đây là chuyến đi hỗ trợ đợt 1 của Đoàn khối Dân – Chính – Đảng thành phố, trong chương trình “Giải khát hạn mặn và phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả”, tại tỉnh Bến Tre. Dự kiến, đợt 2 Đoàn khối sẽ tiếp tục trao tặng 2 máy lọc nước cho bà con trong xã cùng sử dụng, vào ngày 28-3.

Cùng ngày, tại xã Phú Vang, huyện Bình Đại (Bến Tre), Công ty cổ phần Cơ điện lạnh Đại Việt phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khánh thành và bàn giao máy lọc nước ngọt công suất khoảng 15-24m³/ngày/đêm, với tổng kinh phí đầu tư 350 triệu đồng.

Đưa nước ngọt đến với bà con vùng hạn mặn ảnh 1Người dân xã Phú Vang, huyện Bình Đại (Bến Tre) lấy nước ngọt từ máy lọc nước về sử dụng. Ảnh: TÍN HUY 

Ngoài ra, đơn vị này còn tài trợ 10 triệu đồng tiền điện, 20 triệu đồng chi phí bảo trì hệ thống. Thời gian tới, đơn vị sẽ lắp đặt 13 hệ thống máy lọc nước cho các tỉnh ĐBSCL với kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng. Công ty còn dành thêm 200 máy công nghiệp và 5.000 máy lọc nước dùng trong gia đình, công suất lọc 12 lít/giờ, để hỗ trợ những tổ chức từ thiện, cá nhân tại vùng hạn mặn ĐBSCL.

° Chiều 21-3, Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết, vài ngày nay độ mặn có giảm nhưng vẫn duy trì mức cao từ 2o/oo-6o/oo trở lên, nên hầu như người dân các huyện Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, TP Mỹ Tho, thị xã Cai Lậy… không thể lấy nước từ sông để tưới cho cây ăn trái cũng như sinh hoạt được. Do đó, ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh việc thuê sà lan chở nước ngọt cứu khẩn cấp 13.000ha sầu riêng bị thiếu nước, bởi hạn mặn kéo dài.

Cụ thể, những ngày qua các ngành chức năng tổ chức 27 điểm tiếp nhận, với tổng khối lượng nước ngọt hơn 45.342m³, cấp cho hơn 6.744 hộ dân trồng sầu riêng. Trong đó, huyện Cai Lậy có 17 điểm, tiếp nhận 32.249m³ nước; huyện Châu Thành có 3 điểm, tiếp nhận 8.400m³ nước ngọt; thị xã Cai Lậy có 7 điểm, tiếp nhận 4.693m³ nước ngọt. Toàn bộ nước ngọt này được UBND tỉnh Tiền Giang xuất kinh phí khoảng 37 tỷ đồng thuê sà lan chở từ khu vực Đồng Tháp về cứu cho vườn cây ăn trái của tỉnh; trong đó cây sầu riêng được ưu tiên cứu trước, bởi nguy cơ thiệt hại cao. Song song đó, UBND các huyện còn phải chi thêm hàng chục tỷ đồng để vận chuyển nguồn nước ngọt trên từ các sà lan lớn, về những điểm tiếp nhận nước ở nông thôn, cấp cho bà con. Công việc này được thực hiện liên tục đến ngày 30-4.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, cho biết thêm: “Trong ngày 21-3, các ngành chức năng của tỉnh đã đi khảo sát thực tế khoảng 1.000ha thanh long ở huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và Chợ Gạo đang bị thiếu nước tưới bởi hạn mặn nhiều ngày qua. Sau khi khảo sát sẽ có phương án đề xuất giải pháp hỗ trợ nước ngọt cứu vườn trái cây ở khu vực này, do tình hình hạn mặn còn diễn biến phức tạp…”.

Cũng theo ông Nguyễn Thiện Pháp, song hành cùng hỗ trợ nước ngọt cứu vườn cây ăn trái, ngành chức năng còn bố trí khoảng 67 vòi nước công cộng ở các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và Tân Phú Đông nhằm cấp miễn phí cho bà con vùng ven biển, ven sông đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Phía Công ty TNHH Cấp nước Tiền Giang cũng mở 48 điểm lấy nước tại những khu vực căng thẳng về nước sinh hoạt ở các huyện trên. Chị Lê Thị Hồng Xuân, ngụ xã Long Vĩnh (huyện Gò Công Tây), bộc bạch: “Cứ 4- 5 giờ sáng là nhiều hộ dân mang thùng nhựa đến vòi nước công cộng xếp hàng, thay nhau lấy nước ngọt miễn phí về sử dụng tiết kiệm trong mùa hạn mặn khốc liệt này. Hơn tháng nay cũng nhờ nguồn nước công cộng mà bà con đỡ vất vả, do đó ai cũng cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ nước ngọt kịp thời của các ngành chức năng…”.

Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang lưu ý, hiện nay mặn trên sông Tiền đã vượt qua khu vực lấy nước của Công ty TNHH Cấp nước Tiền Giang và Công ty cổ phần BOO nước Đồng Tâm, trong khi nhu cầu sử dụng tăng cao nên áp lực nước cung cấp đang yếu so bình thường. Vì vậy, tỉnh khuyến cáo người dân chỉ sử dụng nước cho sinh hoạt; hạn chế sử dụng nước từ trạm cấp nước cho các mục đích khác…

° Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, trong 10 ngày tới, khu vực Nam bộ tiếp tục duy trì tình trạng ít mưa, ngày nắng, các tỉnh miền Đông Nam bộ có nắng nóng diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37°C, miền Tây Nam bộ nhiệt độ phổ biến từ 32-34°C, cục bộ có nơi xuất hiện nắng nóng. Độ ẩm trưa chiều giảm khá thấp, chủ yếu dao động chính trong khoảng 45%-55%.

Từ ngày 21 đến 26-3, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế tăng nhẹ, sau đó giảm dần. Độ mặn cao nhất trong đợt này ở mức thấp hơn độ mặn từ ngày 11 đến 20-3 vừa qua. Từ ngày 1 đến 5-4, xâm nhập mặn ở ĐBSCL tiếp tục giảm dần, các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt ngay khi có thể, nhưng khi tưới cho cây ăn trái cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn để tránh thiệt hại. Trong khi đó, tình hình hạn mặn tại miền Trung đang gia tăng, xấu hơn. Trong 10 ngày tới, cơ bản ít mưa, ngày nắng; lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm tới 40%-80%, riêng tại Nam Trung bộ và Tây Nguyên phổ biến không mưa. Do đó, trong những ngày tới, mực nước trên các sông ở Trung bộ và khu vực Tây Nguyên xuống dần. Trên một số sông có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ. Hầu hết các sông đều bị thấp hơn cùng kỳ nhiều năm từ 20%-75%, có nơi tới hơn 85%. Do vậy, trong tuần tới, hạn hán, hạn mặn tại miền Trung gia tăng và phức tạp hơn.

NHÓM PV 

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dua-nuoc-ngot-den-voi-ba-con-vung-han-man-652552.html

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.