Đoàn Sở Tài nguyên và Môi trường TP: Dân vận khéo từ công trình “Biến bãi rác thành vườn hoa”

0
307

Công trình “Biến bãi rác thành vườn hoa” của Đoàn Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh thực hiện trong thời gian qua và là một trong 8 công trình được trao giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2019.

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

Khu vực bãi đất trống nằm bên cạnh Lô D chung cư Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh) từ mấy năm nay bỗng trở thành bãi rác tự phát, nơi đổ xà bần của một bộ phận người dân sống tại khu vực này.

Cô Lê Thị Hà, Tổ trưởng Tổ vệ sinh 5 Công ty TNHH MTV Công ích quận Bình Thạnh, bức xúc: “Người dân thường xuyên đổ xà bần và rác ra đây lắm, chúng tôi không thể nào dọn xuể. Nhất là một vài hộ dân ở các tầng trên chung cư, nhiều khi họ cũng quăng rác từ trên lầu xuống đây”.

“Nếu ai từng thấy hình ảnh của khu đất trước đó toàn rác rưởi sẽ cảm nhận được ý nghĩa của công trình này. Tôi thấy các bạn trẻ đã rất vất vả để dọn dẹp khu đất, san mặt bằng rồi trồng hoa, cỏ kiểng. Lại còn có ghế đá và lắp đặt hai thùng rác đi theo công viên. Thấy cảnh đẹp thế này, không ai nỡ vứt bịch rác xuống đấy đâu” – chị Thu, nhà ngay gần vườn hoa ở chung cư Thanh Đa tấm tắc khen.

Vườn hoa là nơi được mọi người dân xung quanh nâng niu, chăm sóc sau khi các bạn trẻ gửi gắm lại cho bà con. Chị Thu cho biết thêm ở đây không ai nhắc ai mà tự mỗi người đều nhín chút thời gian chăm sóc vườn hoa. Cây nào già cỗi mọi người nhổ đi thay cây mới.

Còn chị mỗi sáng khi quét sân nhà, chị cũng quét luôn xung quanh vườn hoa để không gian thêm sạch sẽ.

Còn vườn hoa cuối con đường Ngô Văn Sở (Quận 4) cũng là một hình ảnh hoàn toàn mới mẻ được thay thế cho điểm tập kết rác tồn đọng lâu ngày. Bức tường rêu, gốc cây to gần đó luôn ngập rác nhưng nay đã khác.

Bồn hoa được xây lên nhờ bàn tay của đoàn viên, thanh niên Sở Tài nguyên và môi trường thành phố. Nhìn những bông hoa nhiều màu sắc lung linh dưới ánh nắng sớm bỗng cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu.

Một người dân chia sẻ: “Không gian xanh dù chỉ là một vườn hoa nhỏ nhưng cũng làm đẹp thêm khu dân cư chúng tôi. Không ngờ cách làm nhỏ thôi mà thay đổi nhiều trong suy nghĩ của mỗi người”.

Anh Nguyễn Văn Hoàng – Phó Bí thư Đoàn Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “TP.  Hồ Chí Minh là đô thị phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên bên cạnh đó, tình hình mỹ quan môi trường thành phố phát sinh nhiều vấn đề, một trong số đó là các điểm rác tự phát nằm xen trong các khu dân cư. Các điểm rác này tồn tại lâu dài, dù chính quyền, đoàn thể một số nơi thường xuyên tổ chức dọn dẹp, đặt ra các biện pháp phạt, chế tài nhưng tình trạng tái ô nhiễm thường xuyên xảy ra”.

Đồng thời, do nhu cầu phát triển, các công trình xây dựng lớn, khu dân cư đã và đang phát triển dày đặc, việc thiếu không gian mảng xanh là vấn đề khó giải quyết để nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân.

Với phương châm cải thiện cảnh quan và chất lượng môi trường sống, Đoàn Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị thực hiện “Mạng lưới điểm xanh đô thị” với mục tiêu như sau: tổng vệ sinh xóa các điểm rác tự phát tồn đọng trong các khu dân cư, tạo mảng xanh tại các điểm rác nhằm chống tái ô nhiễm, mảng xanh được thiết kế có tính thẩm mỹ cao, thuận tiện cho việc chăm sóc, phát triển thành mô hình có thể nhân rộng ra toàn Thành phố.

Từ năm 2016, Đoàn Sở đã lập kế hoạch triển khai và mời các đơn vị (gồm các Quận Đoàn, Đoàn phường, Đoàn các Tổng Công ty, Đoàn Khu công nghiệp, các doanh nghiệp có quan tâm…) cùng phối hợp để mở rộng thành phần tham gia, đồng thời phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục tuyên truyền, duy trì và tôn tạo sau khi bàn giao” – Anh Hoàng cho biết thêm.

Dân vận khéo

Việc bố trí đồng bộ các “Điểm xanh đô thị” theo thiết kế, có thẩm mỹ sẽ tạo ấn tượng mạnh cho người dân và có ý thức giữ gìn khi nó phục vụ cho chính lợi ích của người dân xung quanh.

Việc thực hiện mảng xanh tại khu vực ô nhiễm được cải thiện thành nơi phục vụ cộng đồng, mỹ quan trên địa bàn sẽ thuận lợi cho công tác vận động người dân, nâng cao ý thức người dân sẽ có tác động mạnh và tự nhiên hình thành hoạt động chăm sóc, giữ gìn. Cạnh đó, với cụm công trình, việc chăm sóc, bảo trì, bảo vệ cũng sẽ thuận tiện khi địa phương bố trí, điều động nhân sự.

Đến nay, Đoàn Sở đã thực hiện 19 điểm, tổng kinh phí xã hội hóa và các nguồn vận động hơn 1 tỷ đồng, và mang lại hiệu quả lớn trong tuyên truyền ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, trong đó cộng đồng tại địa phương cùng chung tay thực hiện các vườn hoa, tại chính nơi mà trước đó là những bãi rác bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và bộ mặt đô thị.

Các công trình sau đó được bàn giao cho địa phương phụ trách chăm sóc, duy trì. Qua thành công của mô hình, 19/24 Quận – Huyện đã triển khai cách làm và phối hợp cùng Đoàn Sở để thực hiện công trình một cách hiệu quả nhất.

LÂM DŨNG

Chia sẻ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.